Một số vấn đề về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

   Lượt xem: 12343    In bài viết   Độ tương phản  

Tuy nhiên, việc này cũng chỉ dừng ở quy định như vậy mà thôi. Đến Luật PCTN lần này (ban hành năm 2018) thì vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn đã được bổ sung nhiều nội dung tiến bộ và cụ thể. Đó là các quy định về cơ quan kiểm soát TSTN, về việc lựa chọn ngẫu nhiên người đã kê khai TSTN để xác minh, và việc công khai bản kê khai TSTN.

Như chúng ta đã biết, do những hạn chế trong quy định của Luật PCTN năm 2005 và những hạn chế, khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện Luật, trước đây, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá việc kê khai TSTN còn nặng về hình thức, hiệu quả thấp, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Vậy thì sau khi có Luật PCTN mới (năm 2018), với những quy định được bổ sung lần này có khắc phục được những hạn chế nói trên hay không ? Xin được nêu một số vấn đề có tính chất trao đổi như sau:

1. Về đối tượng kê khai TSTN

Theo Luật PCTN năm 2018 thì người có nghĩa vụ kê khai TSTN gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND).

So với Luật PCTN năm 2005 thì đối tượng kê khai TSTN lần này có phạm vi rộng hơn. Theo Luật PCTN năm 2005, những người phải kê khai tài sản là: Cán bộ từ Phó trưởng phòng của uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Tức là, năm 2005, trong các cơ quan nhà nước, đối tượng kê khai chủ yếu là những người có chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên, nhưng từ năm 2018 thì tất cả cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp đều phải kê khai.

Trước đây, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình thức, kém hiệu quả của việc kê khai tài sản là số lượng người phải kê khai quá lớn nên vừa không có điều kiện để kiểm soát được những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao, lại vừa là việc làm không cần thiết đối với những trường hợp ít có nguy cơ tham nhũng. Bên cạnh một số đối tượng thuộc diện phải kê khai có rất nhiều tài sản nhưng không kê khai đầy đủ hoặc cho người khác đứng tên tài sản của mình thì có một số người lại cảm thấy xấu hổ và tủi thân khi phải kê khai tài sản vì bản thân mình và gia đình mình quá nghèo, gần như không có tài sản gì thuộc danh mục phải kê khai. Khi triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2005, một số chuyên gia nước ngoài đã cho rằng, đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản quá rộng sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được tính trung thực của việc kê khai, làm cho việc kê khai trở nên hình thức và ít có tác dụng trong phòng ngừa tham nhũng.

Trên thế giới có những nước quy định đối tượng phải kê khai TSTN có phạm vi rất rộng, tương tự như Việt Nam, là đại đa số công chức hoặc tất cả công chức đều phải kê khai. Cách làm này được thực hiện chủ yếu ở các nước châu Á, Trung và Đông Âu. Ưu điểm của nó là có thể ngăn ngừa tham nhũng trên diện rộng, nhưng nhược điểm là rất khó thực thi hiệu quả. Ngược lại, có những nước quy định diện đối tượng phải kiểm soát thu nhập rất hạn hẹp. Chẳng hạn như một số quốc gia ở Tây Âu và Bắc Âu như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy... chỉ kiểm soát thu nhập đối với thành viên của nghị viện và chính phủ. Hoặc các nước như Singapore, Ôxtrâylia, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh, Hungary... chỉ kiểm soát thu nhập đối với các quan chức hoặc chính trị gia cao cấp. Đây là cách tiếp cận phổ biến hiện nay.

Đối với Việt Nam, dù là diện đối tượng phải kê khai rộng (như quy định hiện nay) hay hẹp hơn (như quy định của Luật PCTN năm 2005) thì việc kê khai TSTN vẫn không khắc phục được tính hình thức và ít có tác dụng phòng ngừa tham nhũng. Lý do chủ yếu là hiện nay nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, chưa kiểm soát được sự dịch chuyển của các tài sản có giá trị lớn và những dòng tiền lớn, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch vẫn khá dễ dàng và chưa bị kiểm soát.

Theo chúng tôi, trước mắt, chúng ta vẫn xác định đối tượng phải kê khai TSTN theo Luật PCTN, nhưng nên có quy định thực hiện theo hướng sau:

(1) Một mặt, cần tập trung nguồn lực để kiểm soát một cách thực chất việc kê khai TSTN của những cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao trong hệ thống chính trị, vì nếu kiểm soát được TSTN của đối tượng này thì mới có tiền đề để kiểm soát các đối tượng cấp thấp hơn và sẽ nâng cao hiệu quả của biện pháp kê khai TSTN trong phòng ngừa tham nhũng. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm PCTN và xây dựng, chỉnh đốn đảng là từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới noi theo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khoá XI (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012) ghi rõ: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”. Kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022, của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực yêu cầu phải có “cơ chế kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Một trong các biện pháp để kiểm soát thực chất việc kê khai TSTN của những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao là tăng cường xác minh TSTN.

Nếu chấp thuận đề xuất trên thì chúng ta sẽ trao đổi về việc xác định các đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, theo suy nghĩ bước đầu của chúng tôi, trước mắt, những cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao trong hệ thống chính trị ở cấp trung ương cần được kiểm soát TSTN một cách thực chất có thể là uỷ viên trung ương hoặc bộ trưởng và tương đương trở lên đến Tổng Bí thư (khoảng 200 người). Tương tự như vậy, ở cấp tỉnh có thể là uỷ viên ban thường vụ hoặc giám đốc sở và tương đương; ở cấp huyện có thể là uỷ viên ban thường vụ hoặc trưởng phòng và tương đương; ở cấp xã có thể là uỷ viên thường vụ v.v…

(2) Mặt khác, cần có kế hoạch tiến tới kiểm soát TSTN của mọi công dân trong xã hội (thông qua các biện pháp như quản lý thuế, quản lý bất động sản, thực hiện việc thanh toán qua ngân hàng các giao dịch có giá trị lớn v.v…). Có như thế mới kiểm soát được TSTN của cán bộ, công chức và mới khắc phục được tình trạng người có tài sản nhưng lại nhờ người khác đứng tên.

2. Về việc công khai bản kê khai TSTN

Điều 39, Luật PCTN năm 2018 quy định: Bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc (Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020, của Chính phủ quy định cụ thể thêm: Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày). Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử. Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước khi bầu, phê chuẩn. Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

So với Luật PCTN năm 2005 thì những quy định trên là tiến bộ, vì Luật PCTN năm 2005 không có quy định về việc công khai bản kê khai TSTN. Tuy nhiên phạm vi công khai như vậy là quá hạn hẹp nên ít có tác dụng.

Theo Từ điển tiếng Việt, công khai là: “không giữ kín, mà để cho mọi người đều có thể biết”. Theo Từ điển mở (Wiktionary), công khai là: “Cho mọi người biết, không giấu giếm”. Ở nhiều nước, việc công khai bản kê khai TSTN là công khai cho mọi người biết, trong đó có biện pháp đăng tải trên mạng để mọi người dân đều có thể truy cập.

Do điều kiện, đặc điểm của nước ta, có thể bước đầu chưa thực hiện việc công khai bản kê khai TSTN một cách rộng rãi như nhiều nước đã làm hay công khai theo đúng nghĩa của từ này trong Từ điển, nhưng phạm vi công khai theo quy định của Luật PCTN năm 2005 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020, của Chính phủ là quá hạn hẹp. Đọc những quy định của Luật PCTN năm 2005 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về việc công khai bản kê khai TSTN, chúng tôi có cảm giác là, chúng ta vừa muốn công khai lại vừa sợ công khai. Đồng thời, chúng tôi cũng không nghĩ rằng, do chúng ta chưa có điều kiện về vật chất nên chưa thể mở rộng phạm vi công khai hơn, trong đó có việc công khai bản kê khai ở nơi cư trú.

Nếu so với yêu cầu của Đảng từ năm 2012 đến nay thì các quy định nói trên về việc công khai bản kê khai TSTN cũng chưa đáp ứng được. Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI (ngày 16/1/2012) yêu cầu: “Kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác  nơi cư trú”. Kết luận Số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI lại nhắc lại yêu cầu trên: “Sửa đổi Luật PCTN và các văn bản liên quan khác để thực hiện việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú, theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”.

Trong thực tế đã xẩy ra nhiều trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật ở nơi cư trú hoặc ở ngoài xã hội, nhiều trường hợp giấu giếm nhà ở hoặc đất đai… mà chi bộ và cơ quan, đơn vị không biết nhưng báo chí và người dân lại biết. Do đó, nếu chỉ công khai bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai ở một vài thời điểm tại nơi người đó thường xuyên làm việc (công bố trong cuộc họp hoặc niêm yết 15 ngày) thì số người biết được nội dung bản kê khai quá ít và hầu hết những người đó không biết được những nhà ở, thửa đất và những tài sản khác do người có nghĩa vụ kê khai TSTN đang sở hữu. Việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị như vậy là cần thiết mặc dù nó vẫn mang nặng tính hình thức. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là công khai ở nơi cư trú và từng bước mở rộng phạm vi công khai bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai ra toàn xã hội. Có như vậy thì người dân mới giám sát được. Có ý kiến cho rằng, công khai như thế là vi phạm bí mật cá nhân, ảnh hưởng đến đời tư của người kê khai TSTN. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải xác định rằng, lợi ích đất nước, lợi ích của Nhân dân là ưu tiên cao nhất; người nào muốn trở thành cán bộ, công chức thì phải chấp nhận thiệt thòi là phải kê khai TSTN và công khai bản kê khai đó. Hơn nữa, nếu là những người có cách sống đàng hoàng, ngay thẳng, thì việc công khai bản kê khai chắc không có ảnh hưởng gì đến họ.

Về lâu dài, chúng ta cần sửa Luật PCTN và các quy định liên quan để công khai các bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai cho toàn dân giám sát, vì đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để kiểm soát một cách thực chất việc kê khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.

Trước mắt, đề nghị nên có quy định công khai bản kê khai TSTN của những đối tượng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao trong hệ thống chính trị, như đã nêu ở trên (ở cấp trung ương là uỷ viên trung ương, bộ trưởng và tương đương trở lên).

3. Về việc xử lý những trường hợp kê khai TSTN không trung thực

Điều 51, Luật PCTN năm 2018 quy định các biện pháp xử lý hành vi kê khai TSTN không trung thực và giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm không trung thực. Theo đó, những người kê khai TSTN không trung thực, giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử; không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch v.v…

Như vậy là Luật PCTN năm 2018 chỉ quy định việc xử lý đối với người kê khai TSTN không trung thực và giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm không trung thực, mà chưa quy định biện pháp xử lý đối với TSTN được kê khai không trung thực và TSTN tăng thêm nhưng việc giải trình nguồn gốc không trung thực.

Kê khai TSTN không trung thực thường được hiểu là kê khai không đúng với TSTN hiện có, tức là kê khai nhiều hơn hay ít hơn TSTN thực tế hoặc kê khai không đúng tên, địa chỉ, quy cách, chất lượng, giá trị v.v… của tài sản. Tuy nhiên, có lẽ các trường hợp không trung thực trên thực tế chủ yếu là kê khai ít hơn TSTN hiện có (giấu giếm TSTN). Phần TSTN chưa được kê khai và TSTN tăng thêm nhưng không giải trình rõ nguồn gốc được coi là tài sản bất minh (chưa minh bạch, rõ ràng về chủ sở hữu hoặc nguồn gốc). Hiện nay, pháp luật của Nhà nước ta chưa quy định việc xử lý những tài sản này, vì đó chưa phải là tài sản do phạm tội mà có, trong đó có các tội về tham nhũng; đồng thời nó cũng không phải là tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu. (Bộ luật Dân sự quy định đối với tài sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu, nếu là bất động sản thì Nhà nước sẽ quản lý). Đây là một thiếu sót cần được khắc phục.

Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (năm 2003) có quy định về hành vi làm giàu bất hợp pháp và việc xử lý hành vi này. Theo đó, Điều 20 yêu cầu các quốc gia thành viên của Công ước cần phải quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng lên như vậy. Khi đã xác định công chức đó phạm tội thì TSTN chưa được kê khai và TSTN tăng thêm nhưng không giải trình rõ nguồn gốc được xử lý như tài sản do phạm tội mà có. Điều 395 Bộ luật Hình sự của Trung Quốc quy định: "Bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá mức thu nhập và số lượng chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc của tài sản. Nếu công chức đó không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì sẽ bị kết án 5 năm tù giam và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu".

Để thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trước mắt, Nhà nước ta nên tịch thu phần TSTN chưa được kê khai và TSTN tăng thêm nhưng không giải trình rõ nguồn gốc như đã nói ở trên. Có thể dành một khoảng thời gian nhất định cho đối tượng kê khai giải trình lý do của việc kê khai còn thiếu hoặc để cho họ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm, nếu hợp lý thì trả lại, nếu không hợp hợp lý thì sẽ tịch thu chính thức./.

Nguồn: http://www.issi.gov.vn/

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5312755